Lịch sử ý nghĩa ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Để tri ân, tôn vinh những người làm công tác trồng người, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT ngày 28 tháng 9 năm 1982 về Ngày Nhà giáo Việt Nam, quyết định lấy ngày 20-11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2022)

Dân tộc ta vốn có truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”; “tôn sư trọng đạo”, truyền thống tốt đẹp đó đã trở thành một đạo lý cao cả, thiêng liêng thấm sâu vào trong nhận thức, tình cảm của mỗi người dân Việt Nam. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chính là ngày thể hiện đạo lý ngàn năm ấy. Ngày lễ “tôn sư trọng đạo”, tôn vinh những người thầy, người cô đã và đang đứng trên bục giảng, truyền đạt những tri thức quý báu, dạy cách làm người cho bao thế hệ học trò nối tiếp nhau.

Lịch sử ý nghĩa ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Lịch sử ra đời ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 gắn liền với lịch sử của tổ chức giáo giới tiến bộ trên thế giới. Năm 1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris lấy tên là FISE (Féderation International Syndicale des Enseignants – Liên hiệp quốc tế các Công đoàn Giáo dục). Năm 1949, tại Hội nghị quốc tế Vacsava, tổ chức FISE xây dựng một bản “Hiến chương các nhà giáo” gồm 15 chương. Nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến; xây dựng nền giáo dục tiến bộ; bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của nghề dạy học và nhà giáo.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với FISE với mục đích tranh thủ các diễn đàn quốc tế, tố cáo âm mưu tội ác của bọn đế quốc xâm lược đối với nhân dân ta cũng như đối với giáo viên và học sinh. Đồng thời, giới thiệu những thành tích của nền giáo dục cách mạng, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của toàn thể giáo viên trên thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta.

Mùa xuân năm 1953, Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn làm trưởng đoàn dự Hội nghị quan trọng kết nạp Công đoàn giáo dục của một số nước vào tổ chức FISE tại Viên (Thủ đô nước Áo), trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Chỉ một thời gian ngắn sau khi thành lập (22/7/1951), Công đoàn giáo dục Việt Nam đã được kết nạp là một thành viên của FISE.

Từ ngày 26 đến 30/8/1957, tại Thủ đô Vacsava, Hội nghị FISE có 57 nước tham dự, trong đó có Công đoàn giáo dục Việt Nam, quyết định lấy ngày 20 tháng 11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo.

Đối với Việt Nam, do hoàn cảnh đất nước còn bị chia cắt, ngày 20-11-1958, lần đầu tiên ngày Hiến chương các nhà giáo quốc tế được tổ chức trên toàn miền Bắc, lễ kỷ niệm không những được tổ chức tại Hà Nội, mà còn diễn ra từ Vĩnh Linh đến các vùng biên giới hải đảo. Ngày 20/11 bắt đầu trở thành niềm tự hào của các nhà giáo và dần dần đi vào tiềm thức của nhân dân và các thế hệ học sinh.

Khi Việt Nam thống nhất, với ý nghĩa tích cực của ngày 20-11, theo nguyện vọng của giáo giới cả nước, kiến nghị của Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam lần thứ VIII (tháng 4-1982) và Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Tổng Cục dạy nghề, Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em…, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT, ngày 26-9-1982 quyết định sẽ lấy ngày 20-11 hằng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Từ đó đến nay, đây là Ngày truyền thống của ngành giáo dục để tôn vinh những người làm công tác trồng người. Quyết định này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò của nhà giáo trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Điều này hoàn toàn phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, một dân tộc có mấy nghìn năm văn hiến và có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Ngày 20-11 cũng là dịp để các thế hệ học sinh “đền đáp” lại công ơn dưỡng dục của các thầy cô, là dịp để lớp lớp học trò ghi nhớ sâu sắc, gửi lòng thành biết ơn đến những người “tháng tháng, năm năm vẫn không ngừng chèo lái con thuyền”.

Ngày 20/11 là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến thầy cô, để toàn xã hội ghi nhận công lao, tầm quan trọng của giáo dục đối với sự phát triển của đất nước cũng như chia sẻ niềm vui, tri ân tới những người đã góp công sức và tâm huyết cho sự nghiệp trồng người cao cả, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Bất kỳ quốc gia, thời đại nào cũng đều chú trọng tìm kiếm, đào tạo người hiền tài, đây là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển của một quốc gia. Nhận thức rõ tầm quan trọng của nhân tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn chiêu mộ người hiền tài và coi đây là việc vô cùng cần thiết và đáp ứng yêu cầu tất yếu của lịch sử. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành được thắng lợi đã mở ra một trang mới trong lịch sử dân tộc. Song tình thế cách mạng lúc này như “ngàn cân treo sợi tóc”: Thù trong giặc ngoài, chính quyền nhân dân còn non trẻ, đòi hỏi vừa phải chăm lo xây dựng chính quyền nhưng đồng thời cũng phải bảo vệ vững chắc chính quyền ấy.

Ngày 20-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra văn bản Tìm người tài đức đăng trên báo Cứu quốc số 411. Trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm sâu sắc đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đến vai trò của nhà giáo trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người nói: “Nhiệm vụ giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục…không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế – văn hóa”. Bác xem việc dạy học là một nghề đào luyện những thế hệ con người để xây dựng xã hội ngày càng phát triển. Trong bài phát biểu tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (10/1964), Người nói: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Người thầy giáo tốt, người thầy giáo xứng đáng là người thầy vẻ vang nhất, dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương. Song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang, nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân thì làm sao mà xây dựng Chủ nghĩa xã hội được. Vì vậy, nghề thầy giáo rất quan trọng, rất vẻ vang. Ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo thì phải sửa chữa”.

Ðể làm tròn sứ mệnh vẻ vang ấy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi nhà giáo phải là người có đức và có tài: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… Thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ em. Trách nhiệm đó rất là vẻ vang, quan trọng”. Người chỉ rõ, người làm thầy giáo phải luôn là tấm gương không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức để làm tấm gương sáng cho học trò noi theo, để đáp ứng yêu cầu của thời đại mới trên mọi phương diện. Người căn dặn: “Cán bộ, giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ. Chớ tự túc, tự mãn, cho là giỏi rồi thì dừng lại. Mà dừng lại thì lùi bước, là lạc hậu, mình tự đào thải trước. Cho nên phải cố gắng học tập để cải tạo mình, cải tạo tư tưởng của mình, cải tạo con em và giúp vào việc cải tạo xã hội”.

Ngày 15/10/1968, nhân ngày khai giảng năm học 1968 – 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu năm học mới. Trong bức thư, Bác tâm huyết căn dặn về trách nhiệm và nghĩa vụ của các thế hệ thầy giáo, cô giáo và học sinh là: “Thầy và trò phải luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho… Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”.

Thấm nhuần lời dạy của Người, trong những năm qua toàn Ngành Giáo dục đã triển khai nhiều hoạt động đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đạt được nhiều kết quả tích cực. Các thế hệ thầy giáo, cô giáo luôn giữ vững ngọn lửa đam mê với sự nghiệp giáo dục, không ngừng đổi mới, sáng tạo, thi đua dạy tốt, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương cao quý được Đảng, Nhà nước và xã hội tôn vinh là Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, đào tạo ngày càng nhiều tài năng cho đất nước, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục nước nhà phát triển không ngừng.

Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2022) mỗi người chúng ta càng thấm thía hơn những tư tưởng và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, càng thêm nhớ biết bao thế hệ thầy cô giáo đã và đang lặng lẽ ươm lên những mầm xanh của đất nước. Dù còn muôn vàn khó khăn, vất vả, nhưng những thầy cô giáo vẫn bám nghề, lấy sự trưởng thành của các thế hệ học trò làm niềm vui, và hạnh phúc của cuộc đời mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *