Theo báo GDVN đưa tin ngày 14/5/2024 – Cần có chính sách đào tạo đặc biệt, vinh danh, quan tâm và chăm sóc suốt đời đối với người làm nghề Điều dưỡng.
Theo nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mặc dù cơ hội việc làm lớn khi hầu hết các cơ sở y tế đều đang thiếu nguồn nhân lực này, thế nhưng, do tính chất nặng nhọc, vất vả, độc hại, nhiều người học không mấy mặn mà lựa chọn.
Số người nhập học mỗi năm chỉ đạt khoảng 50% chỉ tiêu đặt ra
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Kim Hạnh, giảng viên tại Khoa Y – Dược (Trường Cao đẳng Bình Phước) đã khẳng định về tầm quan trọng của người làm điều dưỡng bởi đây là nguồn lực chăm sóc trực tiếp cho sức khỏe của bệnh nhân.
Hơn nữa, với tình hình dân trí ngày càng tăng như hiện nay, không chỉ riêng người đang bị bệnh mà nhiều người dân cũng đang có nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại nhà. Chính vì vậy, vai trò và nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực điều dưỡng lại càng cần thiết hơn.
Ở Việt Nam, đến năm 2023, với 100 triệu dân, chúng ta cần phải có 260.000 điều dưỡng, nhưng trên thực tế, theo khảo sát của Cục Quản lý khám chữa bệnh, nước ta mới chỉ có 140.000 điều dưỡng. [1]
Theo thầy Hạnh, tình trạng này xảy ra do ảnh hưởng của đại dịch dịch COVID-19 đã dẫn đến rất nhiều điều dưỡng viên nghỉ việc trong những năm qua. Đây cũng là nguyên nhân khiến những năm trước Trường Cao đẳng Bình Phước khó tuyển sinh ngành Điều dưỡng.
Tuy nhiên, năm 2023, tình hình tuyển sinh ngành học này đã dần cải thiện tốt hơn, đạt tỷ lệ khoảng 50% chỉ tiêu đặt ra, và theo đánh giá khảo sát, năm nay, dự kiến trường sẽ tuyển sinh đạt chỉ tiêu đối với ngành Điều dưỡng. Thầy Hạnh cho hay, trước đây nhiều học sinh, phụ huynh vẫn còn băn khoăn không biết ngành này ra trường làm gì? Vậy nên, năm nay trường đã khắc phục vấn đề này trong tư vấn, phổ biến rộng rãi thông tin hơn đến với người học nhằm thúc đẩy công tác tuyển sinh được thuận lợi hơn.
Ngoài ra, thầy Hạnh thông tin thêm, hiện nay cũng có rất nhiều trường cao đẳng đang mở chương trình đào tạo vừa học nghề vừa học tiếng đối với ngành Điều dưỡng để sau khi tốt nghiệp, các em sang bên nước liên kết để cung ứng nguồn nhân lực ở nước ngoài với thu nhập tương đối cao. Đây cũng nằm trong những định hướng của nhà trường trong tương lai gần để thu hút thêm nhiều người học.
Về công tác đào tạo, Trường Cao đẳng Bình Phước có đội ngũ giảng dạy ngành Điều dưỡng với kinh nghiệm lâu năm (người có ít thời gian kinh nghiệm nhất là 8 năm) nên kiến thức, kỹ năng nghề cung cấp cho người học rất vững chắc.
Bên cạnh đó, trường cũng thực hiện những hợp đồng liên kết với bệnh viện quân y, bệnh viện y học cổ truyền trên địa bàn để đảm bảo về cơ sở thực hành và thực tập cho người học sau khi tốt nghiệp. Hơn nữa, ngoài cung cấp kiến thức chuyên môn theo quy định, trường còn có những phòng thực hành lâm sàng để các em tự học và rèn luyện thêm.
Không những vậy, nhà trường cũng đang chủ yếu tập trung vào chế độ cho sinh viên như xin các học bổng hỗ trợ từ các đơn vị ký kết hợp đồng; hỗ trợ ký túc xá cho những em có hoàn cảnh khó khăn.
Cũng đồng tình với quan điểm trên, thầy Huỳnh Ngọc Hợi – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Phương Đông (Quảng Nam) cho rằng, Điều dưỡng là một ngành rất đặc biệt và rất cần thiết đối với các cơ sở y tế. Trong bối cảnh hiện nay, không chỉ các bệnh viện công, sự mở rộng của các bệnh viện tư khiến nguồn nhân lực càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Không những vậy, nhu cầu xuất khẩu lao động về điều dưỡng của các nước như Đức, Nhật, Hàn, … đối với nước ta hiện nay cũng rất lớn.
Trong bối cảnh đó, mỗi trường cần phải có công tác đào tạo phải đảm bảo chất lượng với đội ngũ giảng viên có trình độ, chuyên môn cao; đảm bảo về chương trình học và các phòng thực hành cho sinh viên theo quy định.
Ngoài ra, cần đưa vào chương trình đào tạo những kỹ năng mềm cho các em như kỹ năng giao tiếp bởi đây là công việc chăm sóc sức khỏe trực tiếp cho bệnh nhân, vậy nên, các điều dưỡng viên sẽ khó tránh khỏi những trường hợp bệnh nhân lớn tuổi, khó tính cần có kỹ năng giao tiếp tốt để giúp bệnh nhân yên tâm và hợp tác điều trị.
Cũng theo thầy Hợi, qua khảo sát từ những cựu sinh viên, thầy Hợi cho biết, hầu hết các em ra trường đều có việc làm với mức lương trung bình vào khoảng 7.500.000-8.000.000 (chưa cộng phụ cấp tăng thêm); nếu làm việc tại nước ngoài như tại Nhật Bản sẽ có thu nhập thấp nhất khoảng 45 triệu đồng/tháng (tất nhiên yêu cầu cũng cao hơn nhiều so với trong nước).
Về công tác tuyển sinh, thầy Hợi thông tin, hàng năm trường được cấp phép tuyển sinh 270 chỉ tiêu (đối với cả hệ chính quy và liên thông) nhưng mỗi năm số người nhập học chỉ đáp ứng khoảng 50%. Lý giải nguyên nhân về tỷ lệ này, thầy Hợi bày tỏ, Điều dưỡng thuộc danh mục ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nên nhiều người học không mấy mặn mà; do sự đa dạng về các phương thức tuyển sinh của các trường đại học hiện nay nên dù có thời gian đào tạo ít hơn, nhiều em vẫn lựa chọn vào các trường đại học thay vì trường cao đẳng.
Để đảm bảo cho công tác tuyển sinh được thuận lợi hơn, hiện nhà trường đang thực hiện việc đi tư vấn tuyển sinh trực tiếp tại các trường trung học phổ thông cho học sinh, tư vấn thông tin cho phụ huynh về ngành Điều dưỡng; ký kết với các nơi sử dụng lao động như các viện dưỡng lão, bệnh viện, phòng khám tư trên địa bàn để cam kết việc làm cho các em; Hỗ trợ ký túc xá, chi phí ăn ở, đi lại đối với những trường hợp khó khăn.
Đặc biệt, do là trường cao đẳng tư thục, được tự chủ tài chính nên trường nên đang có chính sách miễn 100% học phí cho người học ngành Điều dưỡng thay vì chỉ 70% như chính sách hiện hành của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội.
Mặt khác, trước thực tế hiện nay là nhiều em vừa mới ra trường đi làm do quá áp lực nên rất dễ bị nhụt chí, thầy Hợi cũng đưa ra lời khuyên đối với các thí sinh đang quan tâm đến ngành học này. Theo thầy Hợi, ngành Điều dưỡng đòi hỏi người học và người làm phải có những đức tính như kiên nhẫn, tỉ mỉ và cẩn thận và phải “như từ mẫu” mới có thể vượt qua những khó khăn, vất vả để gắn bó lâu dài với nghề.
Rất cần thiết có đội ngũ điều dưỡng trong hệ thống y tế
Trong khi đó, thầy Lê Tấn Cường – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Bà Rịa – Vũng Tàu khẳng định, điều dưỡng làm công việc tham gia trực tiếp vào việc chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân như cho bệnh nhân uống thuốc, tiêm truyền để đảm bảo lộ trình điều trị; theo dõi diễn biến của bệnh nhân kịp thời báo với bác sỹ; chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người bệnh, đặc biệt là những lúc họ căng thẳng do bệnh của mình.
Chính vì vậy, có thể thấy rằng, điều dưỡng có vai trò rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay, và các điều dưỡng viên cũng giống như cánh tay của người bác sỹ, không thể thiếu được trong hệ thống y tế. Để đạt được hiệu quả trong việc khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, bắt buộc phải có những điều dưỡng viên bởi các bác sỹ cũng không thể làm hết chức năng, nhiệm vụ của người làm nghề điều dưỡng.
Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới cũng đã nêu rõ, nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Do đó, thầy Cường cho rằng, với một nghề đặc biệt như điều dưỡng, tất yếu cũng phải được tuyển sinh và đào tạo một cách đặc biệt, chuẩn mực.
Thầy Cường thông tin, bản thân chúng ta khi chăm sóc cho người nhà cũng đã rất vất vả, trong khi đó, người làm nghề điều dưỡng gần như suốt đời họ chỉ chăm sóc người bệnh còn vất vả gấp bội. Sau khi hết ca làm việc, họ cũng không có thời gian hay sức lực để kiếm thêm được các nguồn thu nhập khác mà thu nhập của họ hầu như chỉ đến từ một nguồn duy nhất là các cơ sở y tế nơi họ công tác nhưng mức thu nhập của họ hiện vẫn còn tương đối thấp (gần đây nhà nước có quan tâm hơn nhưng vẫn chưa đáng kể).
Đặc biệt, qua đợt đại dịch COVID-19 có thể thấy rằng, nghề điều dưỡng cũng là nghề nguy hiểm nhất, dễ bị nguy cơ lây nhiễm cao nhất khi phải liên tục chăm sóc cho người bệnh, điều này cũng đã ảnh hưởng khá lớn đến tinh thần của những nhân viên y tế như họ.
Với những tính chất đặc thù, vất cả và nặng nhọc nhưng mức thu nhập lại không cao, việc tuyển sinh ngành Điều dưỡng cũng càng phải được chú trọng, kỹ lưỡng. Theo đó, các trường đào tạo phải lựa chọn những người có sức khỏe, yêu thích nghề, đặc biệt là phải có lòng yêu thương con người mới có thể gắn bó được lâu dài với nghề.
Nói về thực trạng tuyển sinh và đào tạo ngành Điều dưỡng của nước ta hiện nay, thầy Cường cho hay, hầu hết các trường đều có trường cao đẳng y tế để đào tạo ngành Điều dưỡng, trên thực tế, việc đầu tư vào đào tạo ngành điều dưỡng cũng khó mang lại lợi nhuận cao bởi chi phí đào tạo rất lớn nên có ít trường tư nhân tập trung vào đào tạo ngành học này.
Hơn nữa, hiện cũng có rất ít người muốn học ngành Điều dưỡng và thường sinh sống ở đâu thì học ở đó nên gần như có yếu tố cạnh tranh đào tạo giữa các trường.
Cũng theo thầy Cường cho rằng, điều dưỡng là lĩnh vực thuộc khối sức khỏe, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của bệnh nhân nên việc đào tạo ngành học này tất yếu phải có hệ thống đào tạo một cách chuẩn mực, không nên cho phép đào tạo một cách tràn lan, đặc biệt là với những trường không phải chuyên đào tạo về khối ngành y dược thì không nên để đào tạo ngành này; phải đảm bảo có đội ngũ thầy cô giảng dạy có nhiều năm kinh nghiệm, tâm huyết với nghề.
Về cơ hội việc làm, thầy Cường cho hay, cả nước hiện nay đang thiếu rất nhiều nguồn nhân lực làm điều dưỡng nên sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Điều dưỡng trình độ cao đẳng gần như 100% có việc làm.
Năm vừa qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng không thể tuyển dụng đủ nhân lực y tế vào biên chế cơ bản, trong đó, đối với đội ngũ nhân lực điều dưỡng hiện vẫn đang thiếu khoảng gần 200 người. Dự kiến vào năm 2025, tỉnh sẽ có thêm 2 bệnh viện tư nhân sắp khánh thành với gần 1000 giường bệnh sắp nên sẽ cần khoảng gần 500 điều dưỡng viên, với thu nhập được chi trả cao hơn, họ có thể sẽ hút nguồn nhân lực điều dưỡng từ các bệnh viện công. Vậy nên, nếu không có đủ nguồn người học để kịp thời bổ sung, trong tương lai, tình trạng thiếu điều dưỡng viên sẽ càng gia tăng mạnh mẽ.
Hiện các bệnh viện tư nhân mặc dù trả mức lương cao hơn so với các đơn vị công cũng gửi văn bản đến nhà trường để giới thiệu nguồn nhân lực cho nhưng thực tế là không có để tuyển dụng mặc dù lương cao bởi số lượng người học quá ít.
Để khắc phục tình trạng này, thầy Cường cũng đang đề nghị tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu sắp tới hỗ trợ 100% học phí cho người học ngành Điều dưỡng để thu hút người học, đảm bảo cho nhu cầu của xã hội trong thời điểm hiện tại và tương lai.
Cũng theo thầy Cường, Điều dưỡng đã được xác định thuộc nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (theo Thông tư 05/2023/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội) nên người học khi tham học ngành Điều dưỡng hệ cao đẳng sẽ được giảm 70% học phí. Dù đã có chính sách ưu đãi học phí như vậy, thế nhưng, hầu hết các trường cao đẳng hiện nay vẫn không tuyển sinh đủ chỉ tiêu cho nghề này, bởi số người nắm được chế độ, chính sách này vẫn chưa có nhiều do công tác tư vấn còn hạn chế.
Đối với Trường Cao đẳng Y tế Bà Rịa – Vũng Tàu, thầy Cường cho biết, trường mới được nâng cấp lên trường cao đẳng từ ngày 6/3/2024, công tác tuyển sinh đối với ngành này còn nhiều khó khăn do nghề điều dưỡng đang dần bị quên lãng; nhiều người học chưa được tư vấn hướng nghiệp đầy đủ và chưa yêu thích với ngành học này; xu hướng của người học hiện nay là muốn lựa chọn những ngành nghề ít vất vả, độc hại lại có thu nhập cao hơn, có nhiều thời gian để mở rộng nguồn thu nhập hơn.
Thầy Cường thông tin, cách đây khoảng 5-10 năm số hồ sơ đăng ký rất đông với tỷ lệ chọi lên đến 1 chọi 10 nhưng khi học được một thời gian lại nghỉ khoảng 30% bởi khi đi học, thực tập tại bệnh viện thấy quá vất vả, khó khăn. Hơn nữa, trước đây khi các đơn vị y tế chưa tự chủ, người học ngành Điều dưỡng ra trường thường khó xin việc do biên chế tuyển dụng bị hạn chế nên nhiều người vẫn ám ảnh việc vào học ngành Điều dưỡng sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ khó xin việc. Thế nhưng, trong bối cảnh tự chủ hiện nay, việc tuyển dụng theo nhu cầu của mỗi cơ sở, và dù đang thiếu rất nhiều điều dưỡng viên nhưng lại khó tuyển dụng được.
Trước thực trạng việc tuyển sinh ngành ngành Điều dưỡng còn nhiều khó khăn tồn tại, thầy Cường cho rằng, cần có chính sách chế độ đặc biệt trong tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh và đào tạo ngành Điều dưỡng.
Tường San- Báo GDVN – đưa tin ngày 14/5/2024