Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2022: Đẩy mạnh tư vấn trực tuyến

Các thành viên ban tư vấn của Tuổi Trẻ đã chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến quyết định chuyển hướng sang hình thức tư vấn trực tuyến, thời gian, hình thức tư vấn, loại hình tư vấn trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Chuyển hướng sang hình thức tư vấn trực tuyến trên các nền tảng của báo Tuổi Trẻ, tăng cường hơn nữa công tác tư vấn hướng nghiệp, ư u tiên tổ chức các chương trình tư vấn trực tiếp cho các địa phương vùng sâu, vùng xa khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt – đó là những ý kiến đáng chú ý tại hội nghị tổng kết Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 do báo Tuổi Trẻ tổ chức chiều 25-11.

Thích ứng an toàn, linh hoạt

Năm 2021, trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp (do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp – Bộ LĐ-TB&XH phối hợp tổ chức cùng với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup) vẫn tiếp tục mở rộng quy mô, thu hút số lượt người tham dự các chương trình, ngày hội tăng.

Kết thúc chương trình đã có gần 120.000 lượt học sinh và phụ huynh được tư vấn, tiếp nhận thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ cũng như hướng nghiệp sau bậc THPT. Chương trình đã diễn ra tại các địa phương: Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Nam Định, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Đắk Lắk (Buôn Ma Thuột và Buôn Hồ), Kiên Giang (Châu Thành và Giồng Riềng), Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng, Tiền Giang và ba ngày hội tư vấn tại TP.HCM, Cần Thơ và Hà Nội.

Tại hội nghị, đại biểu của nhiều trường ĐH đánh giá chương trình đã thành công cả về hình thức, nội dung và phương thức tổ chức. PGS.TS Đỗ Văn Dũng – nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – nhận định mặc dù trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ đã làm được rất nhiều việc và thành công.

“Công tác tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp cực kỳ quan trọng. Chương trình của báo Tuổi Trẻ đã giúp các em học sinh có thể chọn được trường và ngành phù hợp với năng lực, sở thích và điều kiện của mình. Trong điều kiện dịch bệnh phức tạp ban tổ chức đã thích ứng linh hoạt, an toàn nên chương trình đã rất thành công” – ông Dũng nói.

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng – quyền hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM – cũng nhận định chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2021 là chương trình có quy mô lớn nhất, sức lan tỏa rộng rãi, hình thức và nội dung tư vấn khách quan, góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

“Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, nhưng các chương trình tư vấn của báo Tuổi Trẻ đều diễn ra rất thành công. Việc tiếp tục bố trí gian tư vấn của các trường tại chương trình tư vấn ở các tỉnh vừa đáp ứng được nhu cầu quảng bá thông tin tuyển sinh của các trường đồng thời thêm hình thức tư vấn cho thí sinh” – ông Hùng đánh giá.

Ưu tiên tư vấn trực tiếp cho vùng sâu, vùng xa

Về chương trình năm 2022, các thành viên ban tư vấn của Tuổi Trẻ đã chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến quyết định chuyển hướng sang hình thức tư vấn trực tuyến, thời gian, hình thức tư vấn, loại hình tư vấn trong điều kiện dịch COVID-19 đang còn diễn biến phức tạp hiện nay để cung cấp thông tin đến nhiều học sinh hơn.

Đóng góp cho kế hoạch chương trình năm 2022, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng đề nghị cần duy trì việc tổ chức chương trình tư vấn ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, vì học sinh và cả giáo viên những nơi này rất “đói” thông tin.

“Hy vọng qua Tết, tình hình dịch bệnh sẽ ổn, ban tổ chức nên ưu tiên tổ chức các buổi tư vấn trực tiếp tại các địa phương vùng sâu, vùng xa. Đồng thời cố gắng tổ chức 3 ngày hội lớn như mọi năm” – ông Hùng nói.

Tương tự, PGS.TS Bùi Hoài Thắng – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cũng cho rằng: “Việc ban tổ chức chuyển hướng sang hình thức tư vấn trực tuyến trên các nền tảng của báo Tuổi Trẻ là hoàn toàn phù hợp trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Tuy nhiên với tư vấn trực tuyến, học sinh vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận được như học sinh ở thành phố. Vì vậy, cần ưu tiên tổ chức tư vấn trực tiếp về vùng sâu, vùng xa để cung cấp thông tin cho học sinh ở đây, khi điều kiện dịch bệnh cho phép”.

Theo báo Tuổi trẻ