Các trường đại học không được yêu cầu thí sinh cam kết, xác nhận nhập học sớm dưới bất kỳ hình thức nào.
Theo quy định mới của Bộ GD-ĐT, thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của quy chế tuyển sinh hiện hành, trước 17 giờ ngày 15-7. Từ ngày 1 đến 18-7, thí sinh sử dụng tài khoản đã được cấp để rà soát kết quả điểm học tập cấp THPT trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung và phản ánh với giáo viên để sửa sai (nếu có). Thí sinh tự do (đã tốt nghiệp THPT, trung cấp) nhưng chưa đăng ký thông tin cá nhân trên hệ thống chung thì từ ngày 12 đến 18-7, phải đăng ký để được cấp tài khoản sử dụng cho việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Từ ngày 22-7 đến 17 giờ ngày 20-8, thí sinh được đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần. Việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đối với các phương thức xét tuyển phải được thực hiện theo hình thức trực tuyến trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung hoặc trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Các nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành, các phương thức tuyển sinh ở tất cả cơ sở đào tạo được xếp thứ tự từ 1 đến hết (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất). Mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký. Từ ngày 21-8 đến 17 giờ ngày 28-8, thí sinh phải xác nhận số lượng, thứ tự nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống và nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng xét tuyển bằng hình thức trực tuyến. Khi thí sinh chưa xác nhận thì hệ thống chưa chấp nhận việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, các trường đại học phải có phương án để không tuyển vượt số lượng chỉ tiêu đã dự kiến. Các trường thông báo cho thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) để thí sinh có đủ thông tin và chủ động trong việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống. Trước 17 giờ ngày 30-9, tất cả thí sinh trúng tuyển cần xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung.
Nhà trường phải công bố công khai, minh bạch điều kiện bảo đảm chất lượng trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, các điều kiện sơ tuyển, xét tuyển, tổ hợp xét tuyển, ngưỡng bảo đảm chất lượng, chính sách ưu tiên gắn với yêu cầu của ngành đào tạo. Đồng thời, phải có biện pháp kiểm soát các điều kiện sơ tuyển, điều kiện phụ trong tuyển sinh, không để xảy ra tình trạng thí sinh đã trúng tuyển nhưng bị loại khi nhập học do không đủ điều kiện sơ tuyển, điều kiện phụ. Không được yêu cầu hoặc thỏa thuận với thí sinh việc cam kết, xác nhận nhập học sớm dưới bất kỳ hình thức nào, như nộp kinh phí giữ chỗ, thu giữ hồ sơ…
Thay đổi chính sách ưu tiên
Theo Quy chế tuyển sinh năm 2022, mức cộng điểm ưu tiên để xét tuyển đại học theo khu vực cao nhất là 0,75 điểm. Từ năm 2023, thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp và 1 năm kế tiếp. Mức điểm ưu tiên trong tuyển sinh đại học theo các khu vực như sau: khu vực 1 cộng 0,75 điểm; khu vực 2 – nông thôn cộng 0,5 điểm; khu vực 2 cộng 0,25 điểm; khu vực 3: không được tính điểm ưu tiên. Khu vực tuyển sinh của mỗi thí sinh được xác định theo địa điểm trường mà thí sinh đã học lâu nhất trong thời gian học THPT (hoặc trung cấp); nếu thời gian học (dài nhất) tại các khu vực tương đương nhau thì xác định theo khu vực của trường mà thí sinh theo học sau cùng.
Theo Báo Người Lao động