Bệnh viện thiếu trầm trọng điều dưỡng

Để đảm bảo chăm sóc tốt cho người bệnh, phải đạt yêu cầu 3 điều dưỡng, hộ sinh/bác sĩ. Tuy nhiên, năm 2022, qua khảo sát, tỉ lệ điều dưỡng, hộ sinh/bác sĩ chỉ đạt khoảng 1,8. Đáng quan ngại hơn, thí sinh có nguyện vọng nộp đơn đăng ký học ngành Điều dưỡng tại các trường Cao đẳng, Đại học tiếp tục giảm mạnh.

Thiếu nhân lực điều dưỡng

Hiện nay, thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực điều dưỡng tại các bệnh viện rất đáng lo ngại. Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, tỉ lệ điều dưỡng, bác sĩ tại một số bệnh viện công đang có xu hướng giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng chăm sóc người bệnh.

Theo đó, để đảm bảo chăm sóc tốt cho người bệnh, phải đạt yêu cầu 3 điều dưỡng, hộ sinh/bác sĩ. Tuy nhiên, qua khảo sát, có hơn 55% tổng số khoa lâm sàng có tỉ lệ điều dưỡng chỉ đạt 1,86.

Bệnh viện thiếu trầm trọng điều dưỡng
Bệnh viện thiếu trầm trọng điều dưỡng

Theo khảo sát của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, một số khó khăn mà các điều dưỡng gặp phải là vẫn còn quan niệm điều dưỡng là “nghề phục vụ, thực hiện y lệnh của bác sĩ”. Điều dưỡng phải làm nhiều việc khác ngoài chuyên môn như lĩnh thuốc, lĩnh dụng cụ, đồ vải, đưa đón người bệnh đi khám, làm các thủ tục cận lâm sàng, hành chính, thanh toán viện phí, bảo hiểm y tế, xử lý dụng cụ đã sử dụng tại khoa…

Bên cạnh đó, đào tạo điều dưỡng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và hội nhập. Chưa có điều dưỡng chuyên khoa và chuẩn thực hành điều dưỡng cho từng chuyên khoa. Tỉ lệ người bệnh trong bệnh viện được thực hiện chăm sóc toàn diện còn hạn chế… Đầu tư ngân sách của nhà nước cho công tác điều dưỡng chưa được tính đúng tính đủ, nguồn viện trợ cho các hoạt động rất hạn chế…

Hiện tại, các chi phí khám chữa bệnh được bảo hiểm y tế thanh toán chủ yếu là phẫu thuật, thủ thuật do các bác sĩ thực hiện. Các dịch vụ do điều dưỡng cung cấp được đưa rất ít vào danh mục bảo hiểm y tế thanh toán.

Các trường không tuyển đủ chỉ tiêu

Theo Bộ Y tế, năm 2022, Việt Nam có 148.557 điều dưỡng có chứng chỉ hành nghề. Tỉ lệ điều dưỡng, hộ sinh/bác sĩ khoảng 1,8. Tuy nhiên, chỉ tiêu tuyển điều dưỡng vào làm việc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hằng năm thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu đào tạo.

“Nhiều người vẫn còn quan niệm điều dưỡng là người phục vụ. Thí sinh không mấy mặn mà vì các vị trí việc làm không “hot” như các ngành: Răng hàm mặt, Y khoa, Xét nghiệm. Tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, chế độ lương, phụ cấp cũng khiến nhiều thí sinh đắn đo” – TS Mạnh cho biết.

Bệnh viện thiếu điều dưỡng, trường học khó tuyển sinh

Kiến nghị tăng thu nhập cho điều dưỡng

Trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực điều dưỡng tại các bệnh viện công lập, Ngành Y tế Thành phố đã kiến nghị UBND TP.HCM có cơ chế, chính sách giúp tăng thu nhập cho đội ngũ điều dưỡng. Trước mắt, ưu tiên giải quyết thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND cho tất cả điều dưỡng hiện đang công tác tại các cơ sở y tế công lập thuộc Thành phố, bao gồm cả diện hợp đồng chuyên môn.

Sở Y tế cũng kiến nghị UBND TP có văn bản đề xuất Bộ Y tế gia hạn thời gian cho phép tuyển dụng điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y trình độ trung cấp đến ngày 01/01/2026 và gia hạn thời gian chuẩn hóa trình độ cao đẳng đối với những trường hợp đã được tuyển dụng trình độ trung cấp đến ngày 31/12/2030. Đồng thời cho phép các trường thuộc khối ngành sức khỏe tiếp tục đào tạo điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y trình độ trung cấp để làm những công việc không đòi hỏi chuyên môn cao.

TRANG THIỀU (BÁO LAO ĐỘNG)